Tôi sinh ra trong một gia đình kinh tế khá giả và có bố mẹ rất thành đạt trong công việc của mình. Bố tôi là trưởng phòng nhân sự một công ty lớn, để có được vị trí đó, ông đã phải cố gắng rất nhiều với sự trợ giúp của tấm bằng đại học loại ưu. Mẹ tôi là hiệu trưởng một trường cấp 2 danh tiếng. Đó là niềm tự hào của tôi. Bố mẹ tôi cũng luôn chăm lo cho anh em tôi những điều kiện tốt nhất để học hành, mong muốn tôi có thể làm họ nở mày nở mặt. Nhưng càng ngày cái giấc mơ đó càng xa vời. Tôi đang dần biến mình thành nỗi xấu hổ của cả gia đình.
Nghe ông bà và bố mẹ tôi nói, ngày xưa bố mẹ tôi học rất giỏi, lúc nào cũng đứng trong top dẫn đầu của lớp, thầy cô bạn bè ai cũng khen ngợi, yêu quý. Tôi biết bố mẹ, ông bà đều nói thật chứ không phải nói để cho tôi làm gương. Trong tủ nhà tôi vẫn còn ngăn đựng toàn giấy khen, bằng khen của bố mẹ suốt từ thời đi học được lưu giữ cẩn thận. Bố mẹ muốn anh em tôi góp thêm nhiều vào ngăn tủ thành tích của gia đình. Chúng tôi cũng rất muốn được như thế. Vậy mà...
Từ khi bắt đầu đi học, tôi luôn được mẹ và dì kèm cặp rất kỹ lưỡng. Tôi vào lớp 1 nơi dì làm giáo viên. Dì dạy tôi từ lớp 1, quan tâm, uốn nắn tôi từng ly từng tý. Rồi thậm chí hàng ngày học xong tôi về nhà dì để tiếp tục được kèm cặp bài vở chu đáo, cuối tuần mới về nhà. Nhiều lúc nhìn bạn bè nô đùa tôi cũng thèm lắm nhưng không dám, một vì tôi còn rất nhiều bài tập phải làm, hai là vì tôi cũng muốn cố gắng để không phụ lòng mong mỏi của cả gia đình. Tôi học 5 năm tiểu học vất vả nhưng dễ dàmg. Vất vả vì luôn phải học rất nhiều còn dễ dàng vì kiến thức còn đơn giản và có dì theo tôi từ lớp 1 đến lớp 5, 5 năm liền làm giáo viên chủ nhiệm.
Lên cấp 2, tôi vào học trường của mẹ. Mẹ không trực tiếp lên lớp dạy tôi nhưng bù lại các thầy cô quan tâm chu đáo lắm, cả môn chính và môn phụ đều vậy. Tôi được học lớp tốt nhất với những thầy cô giỏi nhất. Thầy cô nào giảng bài xong đều xuống tận nơi hỏi xem Tuấn Anh đã hiểu bài hay chưa? Thấy cái mặt ngơ ngác của tôi, hẳn nhiều thầy cô cũng khó chịu lắm nhưng vẫn phải cười tươi rồi từ từ giảng lại. Bài của tôi khi chấm điểm bao giờ cũng được nâng đỡ phần nào, tôi biết. Có lần bài kiểm tra tiếng Anh bung bét quá, cô phải gọi riêng tôi ra, yêu cầu làm lại. Tôi thực lòng không muốn thiếu công bằng như thế nhưng cũng không dám cãi cô. Những chuyện như vậy mẹ tôi không hề hay biết, thầy cô nào cũng khen tôi nức nở, bởi tôi giỏi thì có nghĩa là thầy cô cũng giỏi, còn tôi dốt đương nhiên chỉ tại thầy cô dốt mà thôi.
Cấp 3, thi vào trường chuyên, tôi biết mình không thể đạt được kết quả như mọi người mong muốn, hay nói thẳng ra là sẽ khiến mọi người cực kỳ thất vọng. Với sức học thực sự của tôi thì việc trượt với số điểm cao cũng là một giấc mơ hão huyền. Tôi lo phát ốm người khiến bố mẹ tôi cũng quýnh quáng theo. Ngày thi, tôi bước ra khỏi phòng phờ phạc và nước mắt. Tôi làm bài rất chán. Bố mẹ không nỡ mắng câu nào, nghĩ tại tôi ốm đau nên thế. Chỉ mình tôi hiểu dù có hoàn toàn khỏe mạnh và tỉnh táo thì kết quả bài làm cũng chỉ đến thế mà thôi.
Ngày báo điểm, số điểm tôi thấp thê thảm. Tôi buồn lắm. Còn bố mẹ tôi thì tỏ ra cực kỳ ngạc nhiên và bất bình vì tôi đã bị chấm oan. Hình như hai người đã có sự chuẩn bị từ trước với tình huống này. Bố mẹ làm đơn phúc khảo cho tôi. Và ngày báo điểm phúc khảo, tôi chễm chệ ngồi trong danh sách nhập trường vì còn dư tới hai điểm để vào chuyên Lý, lớp chuyên đình đám nhất. Cô giáo chấm phúc khảo có chồng là nhân viên của bố mà. Cả nhà đều vui mừng, riêng tôi thì im lặng bởi những tháng ngày tới sẽ rất khủng khiếp với tôi. Bố mẹ thì luôn miệng bảo: "Con xứng đáng với vị trí này, chỉ là con ốm thôi, đừng băn khoăn gì cả". Tôi xứng đáng hay không tự tôi nhận thức rất rõ mà.
Trường tôi có "truyền thống" ghét dân phúc khảo bởi ai cũng cho rằng đây 100% là con ông cháu cha, là những học sinh giỏi nhờ những mối quan hệ của bố mẹ. Mặc dù khá nhiều bạn bè cùng trường cũ bênh vực khen tôi học giỏi lắm, nhưng một cậu bạn thi cùng phòng ngồi gần đã nói thẳng tuột ra rằng: "Nó lừa ai, tao ngồi cạnh nó chứ ai. Bài làm chả nổi hai trang làm gì mà được 9 điểm". Tin ấy được lan rộng ra nên ngay từ khi vào học tôi đã bị cô lập.
Lẽ ra tôi có thể chiếm lại tình cảm của các bạn bằng cách học thật tốt để khẳng định mình nhưng tôi không thể. Chương trình ở lớp quá nặng nề so với khả năng của tôi, tôi phải học gấp đôi gấp 3 người khác mà không làm sao có thể theo kịp bạn bè. Mỗi ngày tôi chỉ ngủ khoảng 4 tiếng, thời gian còn lại vùi đầu vào sách vở mà dốt vẫn hoàn dốt. Tôi không thể hiểu và làm được những bài tập thầy cô giao. Học rất nhiều nhưng chưa bao giờ tôi hoàn thành bài tập. Bạn bè ai cũng nhìn tôi khinh khỉnh, đánh giá tôi lười biếng không cầu tiến. Tôi không thanh minh gì cho mình cả. Nói gì thì cũng đều dơ mặt như nhau mà thôi.
Thầy cô liên tục trao đổi với bố mẹ về tình hình học tập của tôi khiến bố mẹ tôi "nhục nhã, xấu hổ ê chề" - lời của mẹ tôi. Bố mẹ trách tôi không chịu tập trung học hành. Tôi giải thích rằng tôi quá kém không theo được chương trình dù tôi đã hết sức cố gắng, tôi thức khuya dậy sớm thế nào bố mẹ tôi đều biết cả. Nghe tôi nói hai người càng thất vọng, vì dốt còn cải tạo được, "chứ ngu thì hết thuốc chữa". Bố mẹ tôi còn than thân trách phận sao trong nhà nảy nòi ra một đứa kém cỏi, ngu dốt như tôi? Bố mẹ tôi dạy em tôi đừng có "noi gương" anh làm đau lòng bố mẹ, phải cố gắng học hành. Được cái em tôi học rất giỏi, mới lớp 8, nó đã dõng dạc tuyên bố: "Mẹ yên tâm, con không như anh Tuấn Anh đâu!".
Từ đó, cả nhà mặc kệ không quan tâm gì đến tôi, bố mẹ coi tôi như đồ bỏ, ra lớp bị bạn bè cô lập. Em trai tôi cũng coi thường tôi. Khi tôi ngỏ ý muốn học gia sư, không thể tưởng tượng nổi câu đầu tiên bố nói lại là: "Dốt thế học tốn tiền chứ làm được gì!".
Tôi lo lắm, có lẽ tôi sẽ chẳng thể tốt nghiệp chứ nói gì tới thi đại học. Gia đình, bạn bè ai cũng coi thường tôi khiến tôi chẳng còn điểm tựa nào để bấu víu nữa. Tôi ngày càng kém đi, phải chăng tôi chính là "đồ bỏ" thực sự?
Nguồn : Kenh14.vn